My twit

Tuesday, July 20, 2010

Vẽ xuyên biên giới

Thời sinh viên, Khoa từng tiết kiệm tiền, một mình đi khắp nơi trong nước để thỏa sức khám phá, đến mức nhiều người tin rằng, Khoa đi như thể ngày mai sẽ bị nhốt ở nhà mãi mãi.

Năm 2005, Khoa tốt nghiệp khoa Sư phạm Mỹ thuật, trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP. HCM. Bàn chân mê đi của Khoa có lẽ không thích hợp lắm với công việc của một giáo viên dạy vẽ mẫu giáo. Hơn nữa, niềm đam mê của Khoa gần hơn với thời trang và hội họa. “Hai đam mê này cũng lớn như mê du lịch vậy!” – Khoa nói.

Từ trường mẫu giáo ra thẳng... nước ngoài

Thời sinh viên, Khoa đặc biệt mê những tranh vẽ chi tiết các sản phẩm thời trang như áo quần, giày dép… của các họa sĩ cũng là nhà thiết kế danh tiếng như Kenzo, Alexander McQueen. Nể phục những họa sĩ tên tuổi, vốn được học hành bài bản, nhưng để đi theo họ thì Khoa nói “không”.
k1.jpg

Anh chàng chia sẻ: “Con đường hàn lâm đã có quá nhiều đỉnh cao. Mình phải đi theo con đường ít người đi (trên thế giới) và chưa ai đi (ở Việt Nam)”. Thế là Khoa bắt đầu vẽ các bức tranh minh họa các mẫu thiết kế áo quần, giày dép chỉ với các nét cọ đen và đỏ trên nền trắng.

Ý tưởng về những bức tranh của Khoa ra đời trong chuyến đi Bangkok lần thứ nhất, hồi năm 2005. Sau khi xem triển lãm của 2 nữ họa sĩ người Thái, Khoa khám phá đây chính là thể loại tranh mình thích vẽ.

Về Việt Nam và ở Hội An năm 2007, anh chàng mới bắt đầu tìm phong cách riêng cho mình và bắt đầu vẽ. Vẽ và giữ bí mật, không nói với ai ngoài “tiết lộ” cho một người bạn thân.

k2.jpg

Ngôi sao “chợ bệt” phố Tây

Chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài (Khoa sống ở phố Tây Khao San, tại Bangkok) chỉ với 400 đôla, quả là thiếu thốn. Khoa vẽ tranh để bán kiếm thêm tiền, vừa để thăm dò thị hiếu của khán giả về dòng tranh mình đang theo đuổi. Anh chàng được biết đến tại phố Tây Khao San với biệt danh “Họa sĩ lang thang”.

“Mình lấy tư liệu từ các tạp chí thời trang hiện đại như Elle, Bazaar (ấn bản Thái Lan) để làm thông tin nền, rồi vẽ tranh bán lại cho du khách như một món hàng lưu niệm.

Nhớ ngày đầu tiên, một đôi du khách nước ngoài hết sức ngạc nhiên vì tranh của mình. Họ lập tức mua ủng hộ hai bức với giá 300 bath (tương đương 150.000 đồng). Họ nói, nếu mình sang châu âu, chắc chắn được nhiều người ủng hộ. Gợi ý này khiến mình vừa hứng thú, vừa có thêm động lực để sáng tác” – Khoa kể.

Cái duyên cầm cọ và những bức tranh vẽ tay mà cứ như được vẽ máy khiến nhiều người mê mẩn tranh Khoa. Gian hàng bệt ở chợ đêm Khao San của Khoa lúc nào cũng đông nghịt khách Tây. Anh chàng vừa vẽ, vừa chụp ảnh lưu niệm với khách. Các kỷ niệm hết sức thú vị. Lúc đó, anh chàng thấy mình như một ngôi sao.

k3.jpg

Không ít đêm, Khoa phải thức đến 3h sáng để hoàn tất yêu cầu của khách. Chỉ với tuần đầu tiên bán tranh, Khoa đã gửi được 10.000 bath (khoảng 5 triệu đồng) về cho gia đình ở Rạch Sỏi (Kiên Giang), xem đấy như tháng lương đầu tiên cho cha mẹ mừng.

Bán được tranh và bán được giá

Trong hành trình phiêu lưu của mình đến Lào. Anh Khoa đã gặp rắc rối với… cảnh sát. Gặp không ít rắc rối, nhưng Khoa không cô đơn. Anh chàng gặp nhiều bạn bè, ân nhân và những chuyện bất ngờ.

Trong chuyến xe buýt từ Varanasi gần sông Hằng đến biên giới  ấn Độ - Nêpan, Khoa gặp hai bạn trẻ người Nhật. Cả ba nói chuyện về đam mê của mình say sưa. Vô tình, một đôi tình nhân người Hà Lan và Mỹ ngồi cạnh nghe được. Họ hẹn để mua những bức tranh của Khoa. Nhưng vì va li đựng tranh của Khoa đang còn nằm ở Varanasi nên Khoa chỉ mang những bức phác thảo cho họ xem. Thế là hai bên hẹn gặp nhau ở Khao San (Thái Lan) để giao tranh.

Gần một tuần sau, Khoa và đôi tình nhân này có duyên gặp lại trên đất Thái. Đôi này xem tranh rất thích. Họ quyết định mua tranh Khoa với giá cao bất ngờ: 75 Euro/bức. Người đang giữ nhiều bức tranh của Khoa nhất hiện nay là một giáo sư người Mỹ. Ông chuyên sưu tầm tranh và đang dạy ở Đại học Tokyo. Vị giáo sư này gặp Khoa lúc cậu bán tranh ở chợ đêm Khao San. Ông mê mẩn, trở thành một người hâm mộ tranh Khoa nên đã mua đến 200 bức. Ông cũng liên lạc thường xuyên, chia sẻ với Khoa những sáng tác mới nhất.

k4.jpg

“Hợp thức hóa” tranh của mình tại Việt Nam

Duyên cầm cọ và sự độc đáo cũng như độc bản của tranh đã giúp Anh Khoa bán được hàng ngàn bức tranh cho hàng ngàn người khắp nơi trên thế giới. Khoa tự tin nói rằng, chưa có một họa sĩ dòng tranh minh họa chi tiết nào trên thế giới - vốn cũng không đông - lại bán được nhiều tranh như anh.

Đó có thể coi là một thành công của sự dấn thân và thể nghiệm, điều mà trước khi lên đường, ngay cả những người lạc quan ủng hộ Khoa nhất, cũng khó hình dung được.

Sắp tới, Khoa sẽ sang châu âu theo lời mời của GS Arrak Dirk (Bỉ) thăm những thắng cảnh và các viện bảo tàng, trang bị thêm kiến thức hội họa. Khoa cũng bật mí, chuyến về nước lần này anh sẽ mang dòng tranh thể nghiệm của mình ra triển lãm. Còn trong tương lai, Khoa dự tính sẽ làm một thương hiệu thời trang riêng, sẽ dùng các mẫu thiết kế của chính mình bán khắp nơi trên thế giới.

Đến nay, Anh Khoa đã đi qua 10 nước và vùng lãnh thổ châu Á như Thái Lan, Lào,  ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Hồng Kông... Đến đâu, Khoa cũng lấy tư liệu thời trang hiện đại nơi đó như vải vóc, giày dép, quần áo… để vẽ tranh và bán tại chỗ. Nhưng nơi bán tranh chính của Khoa vẫn là phố Tây Khao San (Thái Lan)

No comments: